Tôi có một đứa bạn, nó crush một anh cùng công ty. Anh ấy khi đi mua café cho team thì mua tặng cả bác bảo vệ. Mình nó biết và âm thầm crush. Sau đó con bé hay mua café mời mọi người. Nó hi vọng có ngày được anh kia mời riêng một cốc. Một câu chuyện tình đậm vị caffeine của thế kỉ 21.
Một đứa bạn khác của tôi thì crush một cô gái có nụ cười thần thánh. Có lần cô post ảnh đi ăn, trong ảnh cô cười hồn nhiên và toát ra vẻ đẹp ở mức độ hoàn hảo đến điên đảo. Tuy nhiên bạn bè cô chê cô béo và khuyên cô… ăn ít đi. Cô có vẻ chịu chịu và nói rằng giờ sẽ không đi ăn nữa. Giật mình, thằng bạn tôi thu hết cam đảm nhảy vào comment rằng thế giới này xấu xa bỏ mẹ không đáng để cô hi sinh như vậy, hãy cứ ăn thoải mái và cười hết mình.
Tất nhiên chuyện đ*o đi đến đâu, cuộc đời đã xấu xa còn bất trắc. Người dũng cảm thường thiệt thòi. Thằng bạn tôi giờ còn ngơ ngác.
Một lần, tôi ngồi tâm sự với một cô gái về mối liên hệ giữa thuyết tương đối và thuyết lượng tử cũng như hệ quả tới nhân tình thế thái. Tôi giải thích cho cô ấy thế nào là cấu trúc không gian và cách chúng “chồng lấp” lên nhau để tạo nên sự vật và hiện tượng. Tuy gật đầu liên tục nhưng tôi nghĩ cô ấy hiểu theo khía cạnh văn học nhiều hơn là khía cạnh vật lý. Cuối buổi tôi tóm tắt một câu đại ý rằng, những nguyên tử trong người tôi và những nguyên tử trong người cô ấy từng là một. Những nguyên tử của tôi từng ở bên những nguyên tử của cô ấy và qua nghìn vạn năm chúng đã gặp lại nhau. Tôi và cô ấy chính là những bụi sao trời. Có những vì sao tử tế đã tự phát nổ để có chúng tôi ngày hôm ấy bên nhau. Kiểu kiểu thế nhưng lâm ly bi đát hơn. Kiểu câu chuyện tình 13,6 tỉ năm, anh đã ở bên em từ giây phút đầu tiên của cuộc sống. Cô ấy có vẻ xúc động. Cô cười, như trẻ lên ba. Mối quan hệ của chúng tôi thay đổi sau nụ cười đó. Buồn một nỗi là nó còn thay đổi lần nữa. Theo thời gian tôi yếu dần đi. Tôi không còn duy trì được khả năng biến cô ấy thành trẻ lên ba. Sự hồn nhiên không còn. Sự nghi ngờ dâng cao. Mọi thứ dần đi mất.
Có thứ tình cảm gọi là tình cảm gió mùa. Kiểu như ám ảnh. Bạn mơ mộng và tưởng tượng. Rồi đến một lúc nào đó thì bạn sợ hãi. Sợ hãi là anh em sinh đôi của tưởng tượng. Tuy nhiên bạn không thể ngừng tưởng tượng. Bạn cũng không thể ngừng sợ hãi. Tuổi 20 đã qua và sợ hãi trở thành bản năng. Ở tuổi 25 còn mấy người không biết sợ?
Một đứa em của tôi crush một cô bé cùng clb. Đứa em tôi thuộc loại thoải mái, đi học đi làm về là đá bóng hoặc chơi điện tử hết ngày. Về sau nó kể rằng con bé kia hay lượn trước chỗ nó ngồi và hỏi nó “hôm nay cậu có vui không”. “Cậu có vui không” là một câu hỏi kinh điển. Thằng em tôi phải lao lực suy tư để có câu trả lời. Và lúc biết bản thân “có vui không” cũng là lúc nó thích con bé kia. Thế là a lê hấp có bao nhiêu tiền thằng bé mua đồ tặng con bé. Cả hai bên “có vui” cho đến khi con bé công khai yêu một thằng khóa trên. Tôi hỏi là giờ muốn đi đập thằng kia hay đi nói chuyện. Nó chọn cái sau. Thằng bé khóc ngắn khóc dài. Tôi bảo rằng cái câu “cậu có vui không” cực kì độc với thằng bé. Nó gây hoang mang. Nó gây thương nhớ. Thằng bé bình thản, hay cười nên không ai hỏi nó “có vui không”. Không ai biết những câu chuyện đằng sau vẻ ngoài ấy. Nó đã hi vọng nhiều. Và nó đã hi vọng lầm người.
Tôi nghĩ rằng thích ai đó là một sự vay mượn cảm xúc. Bao nhiêu niềm vui đi trước thì đủ bấy nhiêu buồn tủi theo sau. Mơ mộng rồi chán nản, hi vọng rồi thất vọng, tin tưởng rồi hối tiếc. Đó là những cảm xúc lấy cắp từ chính bản thân, và phải trả đủ. Nếu may mắn đi đến được một mối quan hệ thì đó là chuyện khác. Một chuyện rất khác. Nhưng phần nhiều là không. May mắn là thứ gì đó kì diệu, kì diệu đến nỗi tôi đặt nó nằm ngoài phạm vi phán xét của bản thân. Giống như tôn giáo, mọi thứ vay mượn đều phải trả. Chỉ trừ một thứ, đó là niềm tin. Khi ta tin và dũng cảm trao đi cái “có vui không” của bản thân, ta đã sẵn sàng. Sẵn sàng để sống, để vui và buồn trong trọn vẹn ý nghĩa của nó. Để hiểu và trở thành con người như ta muốn.
Khi ta thích một người có phải ta thích những tố chất ở họ mà ta không có? Những thứ tốt đẹp hơn để ta nhìn vào? Những thứ tốt đẹp hơn để ta hi vọng vào? Ta hi vọng rằng ta cũng có thể được như thế, và ta mong đợi họ sẽ nâng đỡ ta, sẽ tin tưởng ta trên hành trình đấy. Một hành trình dài và đôi khi ta đi lạc. Đôi khi thôi, nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm và mạnh mẽ.
Mùa đông sắp đến. Mẹ tôi nhắc tôi mặc thêm áo. Tôi nhớ những cái áo của mẹ tôi. Hồi bé tôi bao giờ cũng phải chạm vào áo của mẹ tôi mới yên tâm ngủ. Tôi sợ bị rơi ra, lăn vào gần giường rồi biến mất. Sau ngủ riêng bao giờ tôi cũng phải chạm tay vào tường. Tôi không sợ ma quỷ, tôi sợ biến mất. Tôi sợ sự vô nghĩa. Mẹ tôi theo đạo Phật. Mẹ tôi hay nói về số phận và nghiệp. Tôi tin vào điều đó. Với tôi nghiệp chính là con đường để đi đến sự tốt đẹp của mỗi người. Bạn phải dũng cảm để trở nên tốt đẹp. Nếu bạn quý mến ai vì sự tốt đẹp của họ, hãy đến bên họ và thổ lộ lòng mình. Nếu họ không thể giúp bạn thì cũng đừng quá buồn. Khi bạn không thể có điều gì hãy trở thành chính điều đó.
Nếu bạn thích ai vì nụ cười – lòng tốt – sự tin tưởng của họ, hãy cười – đối xử tốt với mọi người – học cách tin tưởng. Tôi không chắc là bạn sẽ vui, nhưng tôi tin bạn sẽ tìm được một vài ý nghĩa cuộc đời.
Tất cả chúng ta đều là bụi sao trời. Đến và đi chỉ trong những khoảng khắc ngắn ngủi. Trăm nghìn vạn năm mới có cái duyên gặp gỡ, tại sao lại không tử tế và thật lòng với nhau.
“Every atom in your body came from a star that exploded. And, the atoms in your left hand probably came from a different star than your right hand. It really is the most poetic thing I know about physics: You are all stardust. You couldn’t be here if stars hadn’t exploded, because the elements – the carbon, nitrogen, oxygen, iron, all the things that matter for evolution and for life – weren’t created at the beginning of time. They were created in the nuclear furnaces of stars, and the only way for them to get into your body is if those stars were kind enough to explode. So, forget Jesus. The stars died so that you could be here today.”
A Universe from Nothing – Lawrence M. Krauss
Tác giả: Absolutely | Ly Linh | Spiderum
Tri kiến của thái độ chạnh lòng (ngược với thái độ cay đắng hay oán giận) nằm ở chỗ hiểu được sự u buồn không chỉ có bạn thôi, không chỉ bạn đâu, mà cái đau đớn ấy cho loài người nói chung. Nhiều lúc những nỗi buồn của ta thật ích kỉ. Chúng ta xem chúng như những nỗi bất hạnh trời đánh trên đường ta đi. Nhưng sự chạnh lòng không phải vậy. Nó ít có tính cá nhân hơn. Hầu hết mọi thứ đau đớn và u buồn trong đời ta là từ những thứ chung nhất của đời sống: sự ngắn ngủi của nó, rồi sự thật là ta không tránh khỏi bỏ lỡ những cơ hội, sự mâu thuẫn giữa dục vọng và sự tự trị chính mình. Chúng phổ quát cho mọi người. Nên nỗi chạnh lòng nó rộng lượng. Bạn cũng thấy chạnh lòng cho cả người khác, cho “chúng ta”. Bạn thấy thương tiếc cho hoàn cảnh của loài người.
Và cảm thấy nối tiếc như vậy làm ta thành một con người tốt hơn. Nó làm kì vọng của ta vào hành xử của con người chính xác hơn. Bất kì ai sống cùng tôi cũng sẽ trải qua những khó khăn bao quát này. Hầu như không ngạc nhiên gì khi họ đi lạc lối, kiệt quệ, nói dối hết lần này đến lần khác, đổi ý không vì một lý do tốt đẹp nào (hoặc từ chối đổi ý khi có một lý do tốt đẹp xảy đến). Chúng ta thấy chạnh lòng khi chúng ta hiểu thấu ra có những khó khăn sâu sắc bám lấy phận người. Và đón nhận nó sâu tận đáy lòng chính là để động lòng trắc ẩn thêm nữa. Tôn giáo đã là những người biện hộ cho sự chạnh lòng. Sách Ki tô về những lời khấn chung đề một lời phát biểu mọi người đọc trong đám ma: “Người này sinh ra từ lòng mẹ, sống một quãng ngắn của đời với đầy khổ đau. Người ấy lớn lên rồi rạp ngả như một đóa hoa. Giữa cuộc đời chúng ta ở trong cái chết”. Ta kết bài ở đây với một suy nghĩ hơi chạnh lòng chung nhất. Tại đám ma một người thương yêu, ta không chỉ chứng kiến một cuộc đời vuột qua. Ta được mời đến để thấy nhau – và thấy chính ta – như những sinh vật đang trên đường đến bên kia. Điều này không nên làm bạn tuyệt vọng, mà thay vì thế lại tha thứ hơn, tốt bụng hơn và chú tâm hơn tới những gì thực sự quan trọng, khi vẫn còn thời gian.
Bài viết gần đây: