Tất cả đã tạo nên một không khí ngột ngạt và kể từ Thế chiến thứ hai, con người trở nên mất phương hướng, không còn giá trị để bám víu, và sau đó là sự cảnh báo về một “thời đại mất Chúa” và cái “giẫy chết” của châu Âu. Ảnh hưởng này lan rộng vào nhiều phạm vi kinh tế, chính trị, xã hội… Như vậy, sự bất tín văn bản lớn hay đánh đổ độc quyền chân lý đã hiển nhiên làm xuất hiện một “thời cơ hậu hiện đại” hay “điều kiện hậu hiện đại”. Đối với nền triết học duy lý phương Tây, đây là “một cuộc cách mạng trong nhận thức”, mặc dù đối với nền triết lý phương Đông (cụ thể là thiền học) đây chưa phải là một điều mới mẻ.

Trào lưu hậu hiện đại ra đời  trong không khí “đối thoại  nóng bức” kéo dài của không ít các chủ thuyết, mà chủ thuyết nào cũng cố chứng tỏ tính chất ưu việt của mình qua phẩm chất nhân văn, khoa học – một phẩm chất nhất định phải có để đưa các chủ thuyết đó lên tầm “cách mạng” và “tiến bộ” hay trở thành kim chỉ nam cho hành động và tư duy của loài người. Bỏ qua những tranh cãi, bất đồng về nguồn gốc, khái niệm, cảm quan, tư tưởng…, trào lưu hậu hiện đại vẫn đang tồn tại, tồn tại giữa một thực tại đa tầng, đa dạng, đa chiều… Trong sự “chối từ” mang tính văn hóa, người ta có thể khôn ngoan nói: “kính nhi viễn chi”, còn trong cái gọi là ý thức hệ tư tưởng hay đấu tranh tư tưởng, điều gì người ta không thể hiểu thì hãy làm một công việc “đơn giản xưa nay” là phủ nhận hoặc đánh đổ khái niệm… Cũng như bao trào lưu, chủ nghĩa khác, hậu hiện đại đang sống trong trong tình trạng “lắm kẻ yêu, nhiều người ghét” từ nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, cái được gọi là hiểu thì không phải lúc nào cũng là hiểu đúng và hiểu một cách khách quan, công bằng. Điều đáng nói là trong khi hậu hiện đại vẫn “bao dung” chấp nhận và bênh vực cho “quyền được hiểu sai” của con người thì không ai muốn tự phong cho mình cái “quyền được hiểu sai” cả, vì đã là chân lý thì không thể sai lầm. Và như thế, mâu thuẫn có thể được hiểu rằng trong phủ định có phủ định, còn trong thực tế thì không ai lại ngây ngô tự phủ định mình để xiển dương cho cái “quyền được hiểu sai” như là một chân lý luôn luôn đúng, nhưng rất khó để người ta phân biệt được thế nào là hiểu khác và thế nào là hiểu sai. Nếu khôn khéo quá trong việc biện luận, rất có thể người ta sẽ rơi vào tình trạng “nhận vơ” hay “mang thai ngoài ý muốn” trong nhận thức.
Hai vấn đề lớn mà hậu hiện đại đưa ra là thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất và sự hoài nghi các văn bản lớn, trong đó có khoa học.

Lý thuyết phi lý tính xuất hiện cùng với những trạng thái tâm lý mất định hướng của châu Âu đã nảy sinh quan niệm “cái chết của châu Âu” và “cái chết của Thượng đế”. Cũng lúc ấy, người ta hiểu rõ rằng, triết lý, văn hóa phương Tây không phải là hình mẫu của nhân loại. Trong những cơn buồn nản, chán chường, không nhận biết được các gia trị thực cuộc sống, khuynh hướng thoát ly của thời đại mà châu Âu được soi sáng bởi lý trí và khoa học kỹ thuật lại không có gì khác hơn cái vẻ thực dụng của một nền văn hóa, văn minh sản xuất và tiêu dùng. Người ta bắt đầu có cảm giác “buồn nôn” về chiến tranh, bạo lực, sex và sự cuồng tín. Thế là người ta mò mẫm đi tìm ở những xứ sở mà người phương Tây đã “khổ công khai hóa” những giá trị về văn hóa, tâm linh và một đời sống tinh thần (trong con mắt của họ là đầy tính chất huyền bí). Hàng loạt các nhà khoa học, triết học, tâm lý học… đã tìm đến các giá trị phương Đông như một sự chuộc tội, một lời sám hối chân thành để tìm cho phương Tây một giá trị. Trước đó, người ta đã nhìn nhận một cách đầy sai lầm về vấn đề tha hóa và bản ngã. Và khoa học như một “định mệnh” với hàng loạt các định đề, quy luật… mà lâu nay đã làm cho con người trở nên “tỉnh táo”, tỉnh táo đến mức lạnh lùng, vì nhìn vào đâu họ cũng thấy khoa học, vật chất, lợi nhuận, vị kỷ…, và lẽ dĩ nhiên, họ có quyền tự phong cho mình khả năng nắm rõ các quy luật của thế giới. Tuy nhiên, bản ngã, của cải, quyền uy… và các phương tiện phục vụ chung quanh nó đang kéo lùi các giá trị thẩm mỹ và tinh thần. Người ta bắt đầu cảm thấy ngột ngạt trong các bức tường của chủ nghĩa duy lý, của tư duy logic, khái niệm… bởi tâm linh, tinh thần con người cũng được giản lược hóa, sơ đồ hóa và có thể phân tích, chia chẻ được, thậm chí người ta có thể “duy vật” ngay cả trong lĩnh vực tâm linh con người.

Phương Tây như một người khổng lồ ngồi trên chiếc chiếu văn minh vừa cỡ để “phán xét” toàn thế giới. Đáng tiếc, người khổng lồ ấy được sinh ra bởi một thứ gen di truyền đặc biệt, mà bấy lâu nay khi nói đến họ là người ta nghĩ ngay đến sự “lớn xác”. Gần hai phần ba thế giới này có lúc phải sống trong không khí của vô số các tội ác chiến tranh phi nhân tính.
Nhìn nhận vấn đề trên, chúng ta mới hiểu lý do tại sao các nhà lý luận hậu hiện đại lại phê phán cả nền khoa học thực nghiệm lẫn truyền thống văn hóa phương Tây. Ho cho rằng những cái gọi là lương tri, lòng bác ái, nhân quyền, tự do… cũng chỉ là những sản phẩm giả tạo và lỗi thời của chủ nghĩa duy lý. Đó chính là sự lật lọng khôn khéo, nói một đằng làm một nẻo. Dấu hiệu “bất tín nhận thức” đã xuất hiện ngay chính từ sự đổ vỡ trong nhận thức của Sartres, Nietzsche, Heidegger, Foucault… Nói như A. Megill: “Đó là sự đánh mất những chuẩn mực thông thường về Chân – Thiện – Mỹ, những chuẩn mực có uy tín và được lý trí chấp nhận. Sự mất mát này cùng lúc kéo theo sự mất mát niềm tin vào lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh”.
Trong sự nỗ lực tột cùng của khám phá khoa học, kể cả khoa học về sinh lý và thần kinh, phương Tây không giấu được một tham vọng thiết lập một mô hình thế giới mới bằng vô vàn các công cuộc “khai sáng”, để thế giới trở thành một bản sao đúng nghĩa phương Tây: “Ăn kiểu phương Tây, mặc kiểu phương Tây, ở kiểu phương Tây, ngủ kiểu phương Tây, nói cười kiểu phương Tây…”. Và như vậy, xét về mặt bản chất của tham vọng thì phương Tây vẫn nằm trong môi trường “trời sinh tính”. Cái gọi là thiết lập trật tự văn hóa bằng tiêu chuẩn phương Tây chẳng khác gì cai trật tự đã định ấy chính là sự bôi nhọ ý thức, nó không phải khai sáng… Như vậy, những hình mẫu được khám phá trong tột cùng của thực nghiệm khoa học ấy là con đường đi đến kết luận ban đầu của chủ nghĩa độc quyền trong nhận thức. Những khuôn mẫu ý thức trong cuộc sống, từ lĩnh vực kinh tế đến tinh thần đã biến con người trở thành các công cụ được lập trình, được số hóa…

 Tri thức bị từ chối, ý thức bị từ chối, và chính bản thân con người cũng bị từ chối khi mỗi ngày một trở thành những cái máy viết, máy nói, máy hành động, máy tư duy… Ở đây, phần nào hậu hiện đại có lý khi muốn vượt ra khỏi ý thức thẩm mỹ đại chúng để kêu gọi sự sáng tạo và khước từ nghệ thuật hiện thực. Điều này cũng có nghĩa rằng khước từ những cái được gọi là “văn bản lớn” trong văn hóa, nghệ thuật, để mở ra một nền nghệ thuật “như nó” chứ không phải nghệ thuật “phải là”. Sự lừa phỉnh của giác quan và ý thức đang cố tạo lập ra các trật tự tưởng chừng như có lý nhưng hết sức phi lý, nếu không nói là một sự áp đặt nguy hiểm lên ý thức thẩm mỹ của con người. Điều này được Tuệ Trung Thượng sĩ ví như người “đang yên tự chuốc nguy”, bởi cái “đang yên” ấy thực chất không duy lý, không nhân ngã thọ giả, không chúng sinh Bồ đề, không mở đầu kết thúc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc trong lý Bát Nhã là phản đề đánh vào nhân thức về sự tha hóa và mất giá của các khái niệm. Chúng ta phải thoát ra khỏi sự bao cấp nhận thức về một lối tư duy cho rằng chân lý của kẻ mạnh luôn luôn đúng, mặc dù chúng ta phải rất khó khăn để xác định từ “đúng” này giữa vô số ảnh hưởng của các “văn bản lớn”. Thiền sư Quảng Nghiêm không ngần ngại nói rằng: “Giẫm bước Như Lai luống nhọc mình”. Tuệ Trung Thượng sĩ cũng xem việc bày đặt ra sự “truyền tâm” chỉ là mang bệnh. Như vậy Thiên đã làm một cuộc phiêu lưu mạo hiểm từ một ý thức về hiện thực được sắp đặt hoặc bị bắt chước, nhại lại để tìm đến một thực tại như tính, vắng bặt mọi lý luận và tư duy khái niệm, để thoát ra khỏi cái gọi là “quyền lực của văn tự” và sự phản ánh. Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm… cảnh báo về một cái chết bất ngờ của lý luận. Bởi vì lý luận không thể tự giết chết nó khi nó vừa sinh ra, trong khi đó nó có thể bị quái thai và đây dị tật. Bước quá độ, cao trào và thoái trào của một hệ tư tưởng đã buộc người ta phải xét lại “chủ quyền chân lý” của nó. Điều đó khiến các nhà hậu hiện đại phải lo lắng về “thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất”. Như thế, chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ những tri thức mà chúng ta đã và đang được giáo dục, và phải chăng nền giáo dục ấy đang mất căn bản trong chính điều phải làm là tôn trọng con người.

Chúng ta đang được khai sáng hay chúng ta đang tự thêm bướu vào thân? Câu trả lời vẫn là “đang yên tự chuốc nguy”. Dẫu sao thì “sự hoài nghi các siêu văn bản” mà các nhà hậu hiện đại đưa ra cũng có giá trị thiết thực trong thời đại có quá nhiều người xem khoa học như một thẩm quyền định giá con người là “tiến bộ” hay “lạc hậu”, thậm chí còn xem khoa học như là điều kiện làm nên con người thời đại đúng nghĩa văn hóa.

Sự hoài nghi này đòi hỏi người ta cẩn thận chớ đem cả thân mệnh mà cả tin vào tri thức, nhất là vào thực nghiệm khoa học… vì một ngày nào đó sự cả tin ấy sẽ loại “cái biết” ra khỏi “người biết”. Một nhà khoa học có thể bằng các phương tiện khoa học tìm ra một thiên hà khác, và cũng bằng các phương tiện đó mà diễn tả lại cho mọi người biết về những phát kiến của mình. Song đó chỉ là một thứ khoa học quan sát bằng mắt, bằng các giác quan có giới hạn, nên mọi người đang nhìn một hình ảnh của quá khứ và biết đâu ngay trong lúc mọi người quan sát thì thiên hà ấy đã thay đổi và có thể mất dạng. Và như vậy, cái biết gọi là khoa học ấy chỉ là cái biết dựa trên một cái thấy không vững chắc. Do đó cái biết ấy thực sự vẫn là không biết gì cả, vì cái thấy của 100m và cái thấy của 5 tỉ năm ánh sáng cũng chỉ là một cái thấy thô thiển không khác. Theo kinh Duy Ma, cái thấy ấy dù có “thần thông” nhưng cũng không phải chân thiên nhãn, vì nó không thấy pháp giới là “bất nhị” không có hai tướng, là như thị bản nhiên, là dung thông vô ngại. Như vậy, cái thấy biết ấy không thể là cái thấy biết để đảm bảo rằng họ là những đại diện thực thụ của tất cả chúng ta, bởi mọi hiện hữu không phải là vấn đề mà vấn đề là nhận thức của chúng về hiện hữu ấy. Và do đó, không thể có một thực tại nằm ngoài cái thấy cái biết, có nghĩa rằng đối tượng quan sát và người quan sát phải nằm trong các mối tương quan, tương duyên của lý duyên khởi. Không có điều kiện này, thực tại không thể được xác lập, huống hồ là cái biết của chúng ta hôm nay về thực tại ấy không phải là cái biết trước đó và cái biết sau này về thực tại. Đó là chưa kể đến cái biết của chúng ta là cái biết về mặt tỷ lượng (so sánh), nó khác với cái biết như thị bản nhiên, vì như thị bản nhiên thì không phải là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nó là tịch diệt tướng.

Như vậy, các nhà hậu hiện đại có vẻ như chối bỏ khoa học nhưng thực sự họ chỉ muốn chúng ta thoát ra khỏi tình trạng bị áp đặt. Có nghĩa rằng việc chúng ta nhờ khoa học phát hiện ra một mầm bệnh ung thư nào đó trong cơ thể, không có nghĩa rằng mầm bệnh đó định mệnh của cuộc đời của chúng ta, trong khi chúng ta còn nhiều cách thoát khỏi tình trạng có vẻ như tồi tệ đó bằng những nhận thức đúng đắn về sống – chết. Như vậy cái thẩm quyền được công bố về những vấn đề chung quanh cuộc sống con người không thể tuyệt đối thuộc về khoa học, trong khi nhiều người say mê nó đến mức có thể tin như thế, thậm chí họ tin rằng có thể định mức được tâm linh. Lyotard cho rằng: “khoa học lấy đúng làm đích, loại trừ những cái được gọi là sai”. Như thế cái gọi là khách quan khoa học ấy vẫn chỉ là những luận điểm của rất nhiều các tập hợp có thể chứng minh được chứ không phải là tất cả đều chứng minh được. Và chỉ một điều chưa hoàn toàn có thể là sai lầm của biết bao nhiêu giả thiết chủ quan. Người ta không thể cho mình quyền áp đặt khi cái biết về thế giới chỉ dừng lại ở mức độ tối thiểu về cái gọi là thế giới quan vật chất, còn về lĩnh vực tâm linh, tinh thần con người thì những khám phá khoa học cũng chưa có tiến bộ nào đáng kể, mặc dù đang cố gắng mò mẫm vào tầng sâu của vô thức.

Có một người mất tích nhiều năm, sau khi trở về, anh ta kể lại cho mọi người nghe rằng anh ta đã được sống ở trên thiên đường. Mọi người có thể tin hoặc không tin lời anh ta. Có thể anh ta đã mắc bệnh thần kinh, bệnh tưởng… cũng có thể là một kinh nghiệm cá nhân mà anh ta đã trải qua… Nhưng cho dù thế nào thì nó cũng là một thông điệp của ngôn ngữ mà sau cuộc trở về anh ta tường thuật lại. Nếu anh ta không trở về hoặc giả anh ta không nói lại thì tất cả cái gọi là kinh nghiệm ấy thuộc về riêng anh ta vì chẳng có sự kiện nào được chứng minh. Cho nên nó là phi khoa học, tuy nhiên anh ta không cần khoa học mà vẫn hưởng thụ được một “thiên đường”, chí ít là bằng kinh nghiệm tâm linh nào đó của chính anh ta. Anh ta vẫn có quyền được hạnh phúc trong khi rất có thể người khác cho rằng anh bị điên. Như vậy chỉ có thể là hoặc anh ta điên thật hoặc mọi người chung quanh điên thật. Đây chính là cái quyền “sai” mà các nhà hậu hiện đại đưa ra… đáng tiếc chúng ta nhìn nhận vấn đề này không bằng tinh thần của hậu hiện đại mà bằng sự tư duy logic và chia chẻ khái niệm bằng thao tác của một nhà ngữ nghĩa học… Thế nên họ phê phán “bất luật” của hậu hiện đại là thủ tiêu ranh giới “đúng – sai” trong khi đó là một phẩm chất mới của hậu hiện đại. Đây cũng chính là những cách hiểu máy móc khi người ta nghiên cứu về thiền. Thiền không cần phải là hậu hiện đại, hậu hiện đại cũng không cần phải là thiền, nhưng có thể nhìn nhận hai vấn đề trong sự tương chiếu nhất định thì chúng ta có thể bắt gặp Lyotard trong dáng dấp của một “thiền sư” và gặp Tuệ Trung Thượng sĩ trong vai trò của một “nhà hậu hiện đại”.

Có thể nói, sự “bất tín nhận thức” của hậu hiện đại không dừng lại ở phạm vi khái niệm mà Lyotard đã sử dụng mà hơn hết nó là một thực tiễn cho một cách nghĩ có khả năng khai phóng cho một tư tưởng tự do, và hiển nhiên nó khiến cho các chủ thuyết khoa học phải suy nghĩ. Điều đó là một phản đề thành công. Quyền được sai mà các nhà hậu hiện đại đưa ra không phải nằm trong sự phủ nhận đúng – sai theo kiểu nhận thức xã hội học hay đạo đức mà chính là cái sai nằm trong phạm trù triết lý, hay nói một cách văn vẻ hơn, đó là cái sai của cõi người ta, không ai có quyền phủ nhận nó – một cái “sai” bản lai diện mục của pháp giới.

Phương Tây đã phải sống trong một thời gian dài của tư tưởng độc thần và sau đó là hàng loạt các chủ thuyết biên kiến (duy tâm, duy vật, duy lý, duy cảm, duy linh…). Tất cả đã tạo nên một không khí ngột ngạt và kể từ Thế chiến thứ hai, con người trở nên mất phương hướng, không còn giá trị để bám víu, và sau đó là sự cảnh báo về một “thời đại mất Chúa” và cái “giẫy chết” của châu Âu. Ảnh hưởng này lan rộng vào nhiều phạm vi kinh tế, chính trị, xã hội… Như vậy, sự bất tín văn bản lớn hay đánh đổ độc quyền chân lý đã hiển nhiên làm xuất hiện một “thời cơ hậu hiện đại” hay “điều kiện hậu hiện đại”. Đối với nền triết học duy lý phương Tây, đây là “một cuộc cách mạng trong nhận thức”, mặc dù đối với nền triết lý phương Đông (cụ thể là thiền học) đây chưa phải là một điều mới mẻ. Với khả năng thấu thị về một thực tại như tính, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giam…, con người không phải đặt chân vào một thế giới vô nguyên tắc của chủ nghĩa tự nhiên “vô thần” mà là bước chân vào thế giới viên dung vô ngại, vượt ra khỏi vòng phân biệt, vì chừng nào còn phân biệt nhị kiến và tự xem mình là độc quyền chân lý thì chừng đó sau cái ôm hôn là bom đạn.

Chúng ta không quá mất nhiều thì giờ vào việc tranh cãi khái niệm hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại, khuynh hướng hậu hiện đại, cảm quan hậu hiện đại… ma bỏ quên việc sử dụng ngôn ngữ khái niệm như một phương tiện để minh chứng cho một thời kỳ phát triển “tột đỉnh” của khoa học kỹ thuật và những cuộc khủng hoảng toàn diện kèm theo nó. Nói một cách vắn tắt, nó chỉ đánh dấu cho một cột mốc của những điều đang mất giá và những điều cần xét lại. Cho dù thế nào, hậu hiện đại cũng cần một sự hiểu, hiểu về một hệ thống lý thuyết phi cấu trúc trong ngôn ngữ mà đâu đó người ta đã nói đến. Cũng chỉ có thế, người ta mới hóa giải được cái bi đát, cái tàn mạt, cái nực cười, cái buồn nôn, cái cực kỳ phi lý và cái khổ của con người khi họ đang cố gắng đối mặt để vượt ra, cái mà trước đó Nietzsche gọi là “hố thẳm hư vô”.
Hậu hiện đại không cần một sự bênh vực trong khi nay mai nó có thể lỗi thời hay bị giết chết trong các mối quan hệ mang tính loài. Có thể chúng ta không nhìn nhận hậu hiện đại như là một đòi hỏi gắt gao phải phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của các chủ thuyết hay các văn bản lớn mà nhìn nó như một trò chơi ngôn ngữ. Chúng ta có thể hỏi:
– Thế nào là hậu hiện đại?
– Cái chổi cùn.
– Chổi cùn là cái gì?
– Hậu hiện đại.
– Vậy thế nào không phải hậu hiện đại cũng không phải chổi cùn?
– Hậu hiện đại.
Trò chơi ngôn ngữ chứ không phải trí thông minh. Chỉ có hậu hiện đại, chỉ có thiền sư ngồi thiền chứ không có hậu hiện đại hay thiền sư ngồi thiền một cách rất khoa học. Khoa học là một khái niệm, một định nghĩa hay là một giả thiết cần chứng minh? Viễn ảnh tương lai của con người là gì? Không gì khác hơn, khoa học đang chứng minh chính nó trong một cái vòng luẩn quẩn của tri thức. Cần nhìn hậu hiện đại như một trạng thái tinh thần “mất giao tiếp”, “bất tín nhận thức”, “khủng hoảng quyền uy”… Do đó con người không cần phải nhận thức thế giới theo các dữ kiện của khoa học, bởi vì nó chỉ là nhưng thực nghiệm bị điều kiện hóa, công cụ hóa… Thiếu vắng những thứ đó, ngũ quan chỉ còn là chiếc kính mờ và bó rọ trong không gian ba chiều. Nó chưa thể chiếm lĩnh thực tại bằng trực giác hiện lượng như một cái thấy đầu tiên về sự vật và khả năng thấu thị, bừng ngộ trong sát na đầu tiên về hiện hữu… Hậu hiện đại phủ định khoa học là phủ định một kiểu định hướng nhận thức phi lý, chỉ biết quay chung quanh một tâm điểm, những tri thức đã được bày biện sẵn của cái gọi là hệ tư tưởng quy chiếu với mục đích khai hóa, phán xét, làm chủ… Thực ra cái gọi là khai sáng, nhân văn… mỹ miều ấy cũng như bao nhiêu thứ khác, cũng là những thứ nhân tạo, nhân bản của những ý thức độc quyền, độc thần…, những thứ xét về mặt đạo đức là lỗi thời và đầy rẫy những sai lầm, áp đặt. Đối với Lyotard, hậu hiện đại là kết quả của sự xói mòn đức tin vào những “trần thuật lớn”. Tri thức loài người lâm vào tình trạng không lối thoát vì nó vẫn không chịu rơi vào sự “phản tiến bộ”, “phản nhân văn” như là một phạm trù triết lý của một hệ luận suy song hành với nhân văn và tiến bộ. Như thế nó cố gắng tiến gần đến phạm trù đạo đức, một phạm trù còn quá nhiều mơ hồ và phi lý của những chứng thực đã trở thành quy chuẩn. Các thiền sư chỉ nói cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Không có bóng tối không ai thấy ánh sáng là ánh sáng cả. Thế nên cái phi khoa học chỉ là khái niệm phi khoa học, nó không phải là cái bị phủ định sạch trơn, nó không phải là cái đối đầu, nó là hòa điệu trong một sức mạnh âm thanh vô tự tánh. Sự lầm lẫn lớn nhất trong nền văn hóa, văn minh phương Tây chính là lấy tiêu chuẩn của khoa học để tự phong cho mình cái quyền thống lĩnh nhân loại. Có thể nhân loại đang huy động trí tuệ của mình để tìm ra những cái nhất, nhưng nếu tất cả đều quy về khoa học như quy về một cái nhất, vậy thì cái nhất đó quy về đâu? Quy về tánh không chăng? Nó không có quê để về, như vậy “phải chăng văn hóa mọc lên từ khoảng trống và chính khoa học cũng mọc lên từ khoảng trống?”. Điều đó thì như nóng lạnh tự người xúc chạm biết. Fokkema cho rằng: “Bất cứ ý đồ nào nhằm tái lập một mô hình thế giới đều là vô nghĩa lý”. Thực tại như tính là thực tại chối bỏ sự an ủi của cái đẹp và sư đồng thuận trong thị hiếu, nhận thức thẩm mỹ. Đánh mất sự “đồng tình” không phải để tôn vinh sự “bất đồng” như là một cái gì đó ương ngạnh, phá bĩnh mà để nhìn nhận sự “bất đồng” như là cái quyền tự do trong nhận thức và thể hiện. Sự theo đuổi của chúng ta về một thế giới toàn trị, toàn lý chính là một phi lý lớn nhất mà theo Flaubert, nó chỉ là những “ý tưởng lượm lặt được” khi trí thông minh của con người trở thành các thao tác kỹ thuật, và như vậy, chính nó là vũ khí hủy diệt con người cùng toàn bộ nền văn hóa nhân loại. Con người đang rơi vào tình trạng “ngu đần” bất tận trong những văn bản lớn, hay các “bách khoa chân lý”, điều đáng nói là, mặc dù được tắm táp thường xuyên trong đó nhưng lương tâm con người bất kỳ lúc nào cũng có thể nhen nhóm sự tham lam và bạo tàn. Nhà khoa học có thể nhận biết ra rất nhiều loại vi khuẩn có hại và tìm cách tiêu diệt nó, nhưng nhà khoa học không phải là người nhận biết được những “vi khuẩn” tham – sân – si của chính mình. Và như vậy, khoa học chưa phải là khám phá thực thụ, có điều sống trong hào quang của khoa học lâu ngày, nhiều người đã tự may cho mình chiếc áo khoác kiểu “Kitsch” như một “cấu trúc” của phẩm giá.

Hậu hiện đại không phải là những tai biến ẩn ngầm đang còn ở phía trước, phải chăng nó là một sự tái sinh, bình mới rượu cũ, và nó mang đến một thay đổi nhất định trong cấu trúc cảm xúc hay khả năng nhìn lại thế giới. Nhưng nếu hậu hiện đại là cái phải là, nó cũng sẽ chết.
– Phật là gì?
– Ba cân gai.
– Văn hoá là gì?
– Ba cân gai.
– Hậu hiện đại là gì?
– Que chùi phân…
Cái “có thể là” và cái “không thể là” có thể xuất hiện trong ngôn ngữ hỏi đáp trên nhưng nó không gây ra một ảo tưởng trong nhận thức. Hậu hiện đại là một pháp, que chùi phân cũng là một pháp, nó chẳng gợi nên điều gì khi cái thấy biết đầu tiên chạm tới nó. Nhưng nó sẽ là ma quỷ thánh thần, là thanh tịnh nhiễm ô khi người ta khởi niệm phân biệt. Không thể đơn giản rút gọn hậu hiện đại vào những phạm vi giới hạn của lịch sử, văn hóa, chính trị, tâm lý, đạo đức, ngôn ngữ… bởi hậu hiện đại cũng chỉ là một trò chơi khái niệm trong đó vắng mặt sự phục tùng vĩnh cửu vào chân lý khoa học và cả thần quyền. Sự chấp nhận “uy tín” một cách vô điều kiện trong khi chính mình thiếu khả năng thực nghiệm chính là đưa cuộc sống của mình cho một người dẫn đường mù, vì thế sẽ không tránh khỏi tình trạng sa vào hầm hố như kinh Pháp Hoa đã dẫn dụ. Điều này ta có thể thấy trong tuyên bố của Nietzsche răng những khám phá khoa học chỉ là “sự lừa phỉnh vĩ đại” vì con người luôn mong ước được giao phó tâm hồn và thể xác mình cho những phát minh ấy và ảo tưởng về một sự bất tử mà nó có thể đem lại.

Tại sao tri thức khoa học thực nghiệm rơi vào sự mất giá, bất tín và cần phải xét lại? Vì nó chỉ là sự khám phá phiến diện và không có đủ một cơ sở kết luận nào để đảm bảo cho sự tiến bộ toàn diện của con người trong tương lai, nó đang tạo ra những “khả năng vô hồn”. Các triết gia, các khoa học gia là ai? Họ không phải con người? Câu hỏi có vẻ như nực cười ấy có chứng minh gì cho những thời điểm lịch sử khoa học phát triển mà ở đó con người tàn bạo hơn cả thu vật. Có thế thôi, chỉ một chữ “nghi” hiện diện trong thế giới mà nhiều giá trị và trật tự đang được thiết lập là có khả năng cứu rỗi con người. Các nhà hậu hiện đại gọi là “bất tín nhận thức”, “hoài nghi triết lý”… Và nói theo Nietzsche, con người lại tiếp tục lên tàu ra khơi cho một cuộc viễn du mới. Rất có thể sẽ có điểm đến nào đó ở phía trước nhưng cũng có khi lên tàu thì dễ mà bước xuống thì khó. Nhiều người cho rằng hậu hiện đai đang tạo ra sự hoang mang về một ngõ cụt của tri thức nhân loại, vì cái gọi là hiện đại vẫn còn ở phía trước. Một hố thẳm hư vô mà cả phương Tây đang phải đối mặt có lẽ không đến nỗi bi quan như thế. Vì sao? Vì nó chỉ cần trở về với thực tại như tính, điều mà chính nhà tâm phân học Carl Jung phần nào đã kêu gọi: “Chúng ta nên trở về với những giá trị phương Đông để hiểu rõ hơn về năng lực tự giải thoát của tâm hướng nội”. Đó chính là thế giới mà con người có thể tin tưởng và lạc trú.

Hậu hiện đại chống lại các chủ nghĩa trong khi lại xây dựng cho mình một “chủ nghĩa”. Điều này cũng có vẻ nực cười, trong khi những lý thuyết mà nó đưa ra đã ẩn ngầm sự phủ định chính nó. Phải chăng nó đang đối mặt với một “hố thẳm hư vô” khác? Ở một phạm vi nào đó, sự chống đối của hậu hiện đại với mọi “trần thuật lớn” có lẽ không dừng lại ở việc mở rộng nội hàm hay ngoại diên khái niệm mà vươn tới một khả năng sáng tạo tinh thần không thể định danh được, bởi vì cái gọi tên được chỉ là giả danh. Hậu hiện đại cũng là một giả danh thế nên nó không kêu gọi cho chính nó mà nó muốn đưa ra một tuyên bố bình đẳng giữa các văn bản lớn và văn bản nhỏ, giữa cái được gọi là đúng và cái bị coi là sai. Nó muốn nói đến sự bất đồng của những tương quan, nó từ chối duy lý trong nhận thức. Nó đòi quyền sống cho các “vi văn bản”. Nói như Ciceron: “Cái gì không thể xảy ra thì không thể xảy ra được, và cái gì có thể xảy ra thì không phải là một phép lạ”. Còn nói như Thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117): “Có thì có tự mảy may, Không thì cả thế gian này cũng không”. Và đâu đó một hạt cải bé nhỏ cũng ôm trọn cả vũ trụ này.  Nếu cái chuông của nhân loại là tập hợp của các văn bản lớn, cái chuông ấy không thể ngân lên được vì nó có quá nhiều lỗ thủng, có quá nhiều “tuyên bố độc lập”. Hậu hiện đại cảnh báo về những phát ngôn lớn lao mà sự thực hiện thì quá nhỏ, điều đó giống như may một chiếc áo sơ sinh cho người khổng lồ mặc. Như vậy tri thức của loài người không cần phải thanh tẩy nếu như nó không tự “chuốc nguy” khi đặt cho mình một cái quyền phán xét. Chúng ta có Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc và một trong những điều làm nên danh xưng ấy chính là sống trong nền tri thức Nho giáo mà ông vẫn có thể thốt lên: “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ”. Đó chính là giải phóng tri thức, là tự do từ bỏ một thẩm quyền phán xét. Nói như các nhà hậu hiện đại thì đó chính là quyền “ngộ luận”.

Có thể nói, khi dừng lại ở cảm quan (chúng tôi không dùng từ chủ nghĩa) hậu hiện đại, chúng ta có thể đi sâu vào khám phá đời sống “chủ quan” trong các điều kiện khả thể. Tuy nhiên, đứng ở mặt “lập thuyết” hậu hiện đại cũng phải đưa ra những “kết luận”, ma hình như những kết luận ấy mâu thuẫn với chính nó. Song hiện đại là cái còn ở phía trước thì hậu hiện đại cũng không phải đích đến cuối cùng cho một danh xưng (giả danh) “hậu hiện đại” mà vốn dĩ cái gì có “hậu” thì có “tiền”. Đằng sau vòng đối đãi, đằng sau hậu hiện đại là cái “đang yên”, là “mê ngộ bất dị”…, và vì thế chúng ta hãy khoan dung mà nhìn thế giới như là một định nghĩa mở…

giacngo.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Tri kiến của thái độ chạnh lòng (ngược với thái độ cay đắng hay oán giận) nằm ở chỗ hiểu được sự u buồn không chỉ có bạn thôi, không chỉ bạn đâu, mà cái đau đớn ấy cho loài người nói chung. Nhiều lúc những nỗi buồn của ta thật ích kỉ. Chúng ta xem chúng như những nỗi bất hạnh trời đánh trên đường ta đi. Nhưng sự chạnh lòng không phải vậy. Nó ít có tính cá nhân hơn. Hầu hết mọi thứ đau đớn và u buồn trong đời ta là từ những thứ chung nhất của đời sống: sự ngắn ngủi của nó, rồi sự thật là ta không tránh khỏi bỏ lỡ những cơ hội, sự mâu thuẫn giữa dục vọng và sự tự trị chính mình. Chúng phổ quát cho mọi người. Nên nỗi chạnh lòng nó rộng lượng. Bạn cũng thấy chạnh lòng cho cả người khác, cho “chúng ta”. Bạn thấy thương tiếc cho hoàn cảnh của loài người.

Và cảm thấy nối tiếc như vậy làm ta thành một con người tốt hơn. Nó làm kì vọng của ta vào hành xử của con người chính xác hơn. Bất kì ai sống cùng tôi cũng sẽ trải qua những khó khăn bao quát này. Hầu như không ngạc nhiên gì khi họ đi lạc lối, kiệt quệ, nói dối hết lần này đến lần khác, đổi ý không vì một lý do tốt đẹp nào (hoặc từ chối đổi ý khi có một lý do tốt đẹp xảy đến). Chúng ta thấy chạnh lòng khi chúng ta hiểu thấu ra có những khó khăn sâu sắc bám lấy phận người. Và đón nhận nó sâu tận đáy lòng chính là để động lòng trắc ẩn thêm nữa. Tôn giáo đã là những người biện hộ cho sự chạnh lòng. Sách Ki tô về những lời khấn chung đề một lời phát biểu mọi người đọc trong đám ma: “Người này sinh ra từ lòng mẹ, sống một quãng ngắn của đời với đầy khổ đau. Người ấy lớn lên rồi rạp ngả như một đóa hoa. Giữa cuộc đời chúng ta ở trong cái chết”. Ta kết bài ở đây với một suy nghĩ hơi chạnh lòng chung nhất. Tại đám ma một người thương yêu, ta không chỉ chứng kiến một cuộc đời vuột qua. Ta được mời đến để thấy nhau – và thấy chính ta – như những sinh vật đang trên đường đến bên kia. Điều này không nên làm bạn tuyệt vọng, mà thay vì thế lại tha thứ hơn, tốt bụng hơn và chú tâm hơn tới những gì thực sự quan trọng, khi vẫn còn thời gian.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x